HPL & PARTNERS LAW FIRM
  Tư vấn luật:  0901461979
  Email:  info@luathpl.com
Những chính sách mới từ đầu năm 2021 người lao động không thể bỏ qua

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động

Nghị định 135/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18.11.2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau: Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng/tháng

Theo nội dung được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 thì trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng/tháng.

Quy định mới về các trường hợp tinh giản biên chế

Có hiệu lực từ ngày 23.1.2021, Nghị định 143/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014.

Nghị định cũng quy định các chính sách về hưu sớm đối với người thuộc diện tinh giản biên chế như: Khi nghỉ hưu sớm không bị trừ tỉ lệ lương hưu; được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm về hưu sớm; năm tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng Bảo hiểm xã hội (từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm có đóng Bảo hiểm xã hội được được ½ tháng tiền lương).

Để được hưởng các chế độ trên thì đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế phải có độ tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.

Những người này phải có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở khu vực có phụ cấp 0.7 trở lên…

Tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh

Nghị định 131/2020/NĐ-CP ngày 02.11.2020 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 01.01.2021.

Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược vẫn phải tổ chức bộ phận dược lâm sàng để thực hiện các hoạt động dược lâm sàng phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú.

Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp

Nghị định 146/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18.12.2020 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23.3.2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24.11.2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, về hạng đất tính thuế, Nghị định 146 nêu rõ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31.12.2025 (quy định cũ đến ngày 31.12.2020) trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.

Nghị định 146/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.

https://laodong.vn/thoi-su/nhung-chinh-sach-moi-tu-dau-nam-2021-nguoi-lao-dong-khong-the-bo-qua-867434.ldo

 

Copyright © 2019 HPL & PARTNERS LAW FIRM.

Hotline tư vấn miễn phí: 0901461979

LUẬT HPL, tư vấn pháp luật, luật sư

LUẬT HPL

Vietnamese Vietnamese English English